CHINH HINH, NIENG RANG, NHA KHOA QUAN7

CHINH HINH, NIENG RANG, NHA KHOA QUAN7

CHINH HINH, NIENG RANG, NHA KHOA QUAN7

CHINH HINH, NIENG RANG, NHA KHOA QUAN7

CHINH HINH, NIENG RANG, NHA KHOA QUAN7
CHINH HINH, NIENG RANG, NHA KHOA QUAN7

CHỈNH HÌNH, NIỀNG RĂNG, NHA KHOA QUẬN 7

KHÁM, CHẨN ĐOÁN BỆNH NHÂN CHỈNH HÌNH RĂNG MẶT

I. Khái niệm chẩn đoán trong chỉnh hình răng mặt

1. Định nghĩa: Chẩn đoán là một qui trình gồm nhiều bước nhằm mục đích thu thập các dữ liệu thông tin về bệnh nhân, từ đó rút ra kết luận ngắn gọn nhưng bao hàm đầy đủ các vấn đề của bệnh nhân. Chẩn đoán trong chỉnh hình răng mặt là bước xác lập danh sách các vấn đề của bệnh nhân.


2. Mục tiêu của chẩn đoán:
- Chẩn đoán là một qui trình tìm và đưa ra các vấn đề của bệnh nhân theo chuẩn định khoa học. Trong chẩn đoán, sự nhận biết của bệnh nhân và sự quan sát của Bác sỹ có vai trò quan trọng.
- Mục tiêu của thu thập các dữ liệu thông tin và tạo lập danh sách các vấn đề của bệnh nhân là tìm ra được “sự thật”. Vì vậy, khi chẩn đoán Bác sỹ không được đưa ý kiến nhận xét hoặc phán xét của cá nhân. Sự đánh giá sẽ hoàn toàn dựa trên tình trạng có thực của bệnh nhân với các tiêu chuẩn khoa học được công nhận. 
- Lập kế hoạch điều trị là bước tiếp theo của chẩn đoán nhằm mục đích tổng hợp các giải pháp có thể có đối với các vấn đề của bệnh nhân (thường có nhiều giải pháp) để chọn ra được một kế hoạch điều trị có lợi nhất đối với từng bệnh nhân.
- Hai bước quan trọng hàng đầu trong chẩn đoán: 
+ Bước 1: Ghi lại đầy đủ các dữ liệu cần cho chẩn đoán.

+ Bước 2: Tiến hành chẩn đoán.
- Chẩn đoán là xác định được danh sách các vấn đề của bệnh nhân từ các dữ liệu khai thác. Nếu bệnh nhân có các vấn đề về bệnh lý và tăng trưởng cùng xuất hiện, cần tách riêng hai vấn đề này riêng biệt, đảm bảo cả hai vấn đề sẽ cùng nhận được sự ưu tiên trong bước lập kế hoạch điều trị. Quá trình kiểm soát các bệnh lý sẽ phải được tiến hành trước khi bắt đầu điều trị các vấn đề liên quan đến tăng trưởng.

 

II Các bước khám và chẩn đoán  :
1. Hỏi bệnh: 
- Hỏi lý do chính khiến bệnh nhân phải tìm kiếm sự tư vấn và điều trị chỉnh hình răng mặt. Thường có ba vấn đề khiến bệnh nhân đến khám và điều trị: muốn thay 

đổi thẩm mỹ răng mặt vì những tác động đến tâm lý, muốn cải thiện về chức năng ăn nhai và muốn cải thiện thẩm mỹ răng mặt để làm tăng chất lượng của cuộc sống.
- Hỏi bệnh nhân hoặc bố mẹ bệnh nhân mong muốn sau điều trị: ví dụ răng sẽ thay đổi như thế nào, các răng ở hàm trên (hàm dưới) đưa ra trước hay lùi ra sau, có muốn giảm cười hở lợi hay không nếu bệnh nhân có cười hở lợi, có muốn đóng khe thưa giữa các răng nếu bệnh nhân có khe thưa, có muốn làm đều răng nếu như bệnh nhân có răng khấp khểnh…Hỏi bệnh nhân có muốn thay đổi vẻ mặt khi nhìn nghiêng không? Mong muốn đưa hàm trên (hàm dưới) ra trước hay lùi ra sau, môi trên (môi dưới) đưa ra trước hay lùi sau, cằm và mũi muốn thay đổi như thế nào…
- Hỏi các câu hỏi liên quan đến sự tăng trưởng và mức độ tăng trưởng của trẻ, nếu trẻ có độ tuổi gần với tuổi dậy thì để phát hiện được giai đoạn đỉnh cao của sự tăng trưởng. Thường các câu hỏi như sau hay được áp dụng: chiều cao của trẻ có tăng nhiều trong những tháng gần đây? cỡ giày thay đổi như thế nào? Đã có các dấu hiệu sắp dậy thì như trứng cá, thay đổi giọng nói…? Đã dậy thì? 
- Hỏi về tiền sử bệnh: các bệnh toàn thân và các bệnh răng miệng. Ví dụ các trường hợp mặt mất cân xứng hỏi kỹ tiền sử chấn thương xương hàm khi còn nhỏ.
- Hỏi các câu hỏi để đánh giá các hành vi xã hội và các thói quen sinh hoạt của bệnh nhân. Các Bác sỹ cần phải hiểu rõ các giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ để đưa ra được các câu hỏi phù hợp với lứa tuổi của trẻ. 
+ Cần hỏi các câu hỏi để phát hiện động cơ điều trị do yếu tố nội lực hay yếu tố ngoại lực. Yếu tố nội lực là do chính bản thân mong muốn và yếu tố ngoại lực là do mong muốn của những người khác tác động. Hiếm khi động cơ điều trị của bệnh nhân đơn thuần là yếu tố nội lực mà thường có sự phối hợp với yếu tố ngoại lực tác động thêm. Các bệnh nhân có động cơ điều trị đơn thuần do yếu tố ngoại lực, sự tiếp nhận các thông tin điều trị và sự phối hợp điều trị thường hiệu quả kém hơn các bệnh nhân có yếu tố nội lực thúc đẩy. Các câu hỏi như sau thường áp dụng để phát hiện động cơ điều trị của bệnh nhân như: bạn có nghĩ rằng cần phải nẹp răng hay không? Và vì sao?

+ Động cơ điều trị hình thành rất khác nhau tùy theo lứa tuổi bệnh nhân. Động cơ điều trị thay đổi theo lứa tuổi, do đó sự hợp tác của bệnh nhân sẽ khác nhau. Hiếm khi trẻ nhỏ hoàn toàn đồng ý tham gia điều trị một cách tự nguyện. 
2.Khám lâm sàng: 
2.1 Khám ngoài mặt:

- Đánh giá sự cân đối của mặt theo cả ba chiều không gian. 
+Tỉ lệ các phần mặt khi nhìn thẳng: Sự cân xứng của mặt.
+Tỉ lệ cân đối giữa các tầng mặt khi nhìn nghiêng
+Kiểu mặt khi nhìn nghiêng. 
+Đánh giá vị trí của môi và sự nhô của các răng cửa. 
+Đánh giá góc hàm của bệnh nhân.
Cần chú ý các vấn đề của bệnh nhân như mặt có mất cân xứng không, chiều cao tầng mặt dưới phát triển quá mức hay kém phát triển, xương hàm dưới phát triển qua mức hay kém phát triển…

 

 - Đánh giá nụ cười của bệnh nhân. Đánh giá mức độ hở lợi khi cười, độ rộng của nụ cười, hành lang khi cười, hình dạng cung của nụ cười.

 - Đánh giá tỉ lệ cân xứng về chiều rộng, chiều cao của các răng cửa, hình dạng răng, đường viền lợi của các răng cửa, hố đen tam giác giữa các răng, sự tiếp xúc giữa các răng cửa và rãnh nối tiếp giữa rìa các răng cửa, tỉ lệ cân xứng của các răng cửa khi cười so với tỉ lệ vàng.

2.2 Khám trong miệng:


- Khám đánh giá tình trạng sức khỏe răng miệng:Đánh giá tình trạng sức khỏe mô cứng và mô mềm trong miệng bệnh nhân.Tất cả các bệnh hoặc các vấn đề về sinh bệnh học phải được kiểm soát trước khi điều trị chỉnh nha như các bệnh thuộc bệnh lý toàn thân, bệnh sâu răng, bệnh lý tủy răng, bệnh nha chu.
+ Đánh giá hình dạng cung răng, tình trạng khấp khểnh răng, phân loại khớp cắn theo Angle, độ cắn chìa, cắn phủ.
+ Đánh giá tương quan hai hàm theo chiều trước sau, theo chiều đứng.

- Khám đánh giá hàm và chức năng khớp cắn:

+ 3 khía cạnh về mặt chức năng khớp cắn cần được đánh giá: đánh giá chức năng nhai và nuốt của bệnh nhân, đánh giá chức năng phát âm và đánh giá xem khớp thái dương hàm có bình thường hay có vấn đề gì bất thường không. 
+ Cần chú ý xem sự phối hợp và chuyển động của hai hàm là bình thường hay bất thường.
+ Bệnh nhân có sai khớp cắn nặng thường gặp khó khăn khi nhai. Tuy nhiên cho đến nay các thử nghiệm đánh giá chức năng cơ nhai dùng trong chẩn đoán chưa được hoàn toàn thuyết phục và cũng rất khó khăn để lượng giá chính xác mức độ khiếm khuyết của cơ nhai cũng như đo đạc bằng các con số mức độ tiến bộ cải thiện về chức năng nhai.
+ Sự sai lệch khớp cắn phần lớn không ảnh hưởng đến quá trình nuốt của bệnh nhân.
2.3 Khám phát hiện một số bệnh khác có ảnh hưởng đến kết quả điều trị chỉnh nha: Nếu bệnh nhân có một số các rối loạn về cơ như trong chứng liệt não hoặc bệnh rối loạn thần kinh cơ mức độ nặng, khi điều trị chỉnh nha sẽ không mang lại kết quả điều trị bình thường hoặc dẫn tới tái phát sau điều trị. 
2.4 Ghi lại các số liệu lâm sàng cần cho chẩn đoán.
2.5 Chụp ảnh bệnh nhân: 

- Chụp ngoài mặt: mặt thẳng, mặt nghiêng, chụp ¾ mặt, chụp ảnh kiểm tra độ nghiêng của mặt phẳng cắn.

 

- Chụp trong miệng: chụp cung răng hàm trên, cung răng hàm dưới. Chụp khớp cắn trung tâm nhìn thẳng, nghiêng phải và nghiêng trái. 
3. Phân tích các số liệu chẩn đoán cận lâm sàng.

3.1 Phân tích ảnh chụp ngoài mặt và chụp trong miệng.
3.2 Phân tích mẫu hàm:

- Hình dạng cung răng.
- Phân tích khoảng.
+ Đo khoảng cần có: là tổng khoảng cách theo chiều gần xa giữa hai điểm tiếp xúc của các răng cửa, răng nanh và các răng hàm nhỏ. 
+ Đo khoảng có sẵn trên cung hàm: là tổng của bốn đường thẳng đo từ mặt xa của răng hàm nhỏ đến đỉnh răng nanh cùng bên và từ đỉnh răng nanh đến rìa gần của răng cửa giữa cùng bên.
+ So sánh khoảng cần có và khoảng có sẵn để xác định mức độ thiếu khoảng hay thừa khoảng.

 

 

 

3.3 Phân tích phim Cephalometry :
3.3.1 Công dụng của phim sọ nghiêng trong chẩn đoán:

- Đánh giá tương quan xương hai hàm.
- Đánh giá tương quan giữa xương và răng.
- Đánh giá tương quan mô mềm với cấu trúc xương và răng.
- Đánh giá tuổi phát triển của bệnh nhân dựa vào phân tích các đốt sống cổ.
- Tiên lượng các yếu tố thuận lợi và không thuận lợi cho quá trình điều trị.


3.3.2 Một số các điểm mốc và các số đo hay sử dụng trong phân tích phim :

 Trên mô xương:

-  Điểm Na (Nasion): điểm trước nhất trên đường khớp trán-mũi theo mặt phẳng dọc giữa.

-  Điểm S (Sella Turcicca): điểm giữa của hố yên xương bướm.

-  Điểm lồi cầu (Cond Condylion): điểm cao nhất và trên nhất của chỏm lồi cầu xương hàm dưới.

-  Điểm DC: điểm  trung tâm của cổ lồi cầu xương hàm dưới.

-  Điểm Ba (Basion): điểm dưới nhất của bờ trước lỗ chẩm.

-  Điểm Ar: điểm giao nhau giữa phần thấp nhất của nền sọ và bờ sau của lồi cầu xương hàm dưới.

-  Điểm Po (Porion): điểm cao nhất của bờ trên ống tai ngoài.       

-  Điểm Or (Orbital): điểm thấp nhất của bờ dưới hốc mắt.

-  Điểm ANS (Anterior Nasal Spine): điểm gai mũi trước.

-  Điểm PNS (Posterior Nasal Spine): điểm gai mũi sau.

-  Điểm A (Subspinale): điểm sau nhất của xương ổ răng hàm trên.

-  Điểm B (Submental): điểm sau nhất của xương ổ răng xương hàm dưới.

-  Điểm Pg hoặc Pog (Pogonion): điểm trước nhất của cằm.

-  Điểm PM: là điểm mà ở đó có sự thay đổi độ uốn cong từ phần cong lồi sang phần cong lõm nằm trên đường cong đi từ điểm B tới điểm Pog.

-  Điểm D: điểm trung tâm của ụ cằm.

-  Điểm Gn (Gnathion): điểm trước nhất và dưới nhất của cằm.

-  Điểm Me (Menton): điểm thấp nhất của cằm.

-  Điểm Go (Gonion): điểm dưới nhất và sau nhất của góc hàm dưới.

-  Điểm Id (Infradentale): điểm trước nhất và cao nhất của xương ổ răng hàm dưới.

-  Điểm Pr (Prosthion): điểm trước nhất và dưới nhất của xương ổ răng hàm trên.

-  Điểm Ptm (Pterygomaxillare): điểm thấp nhất của khe chân bướm hàm.

-  Điểm Pt (Pterygo- Maxillary-Fissure): điểm giao nhau giữa đường thấp nhất của lỗ tròn to với đường phía sau của khe bướm hàm.

*Các điểm mốc giải phẫu trên mô răng:

- Điểm chóp răng cửa hàm trên. Điểm rìa răng cửa hàm trên.

- Điểm núm gần răng hàm lớn thứ nhất hàm trên. Điểm mặt gần răng hàm lớn thứ nhất hàm trên. Điểm mặt xa răng hàm lớn thứ nhất hàm trên. Điểm chóp của chân gần răng số 6 trên. Điểm chóp của chân xa răng số 6 trên.

- Điểm chóp răng cửa hàm dưới. Điểm rìa răng cửa hàm dưới.

- Điểm núm gần răng hàm lớn thứ nhất hàm dưới. Điểm mặt gần răng hàm lớn thứ nhất hàm dưới. Điểm mặt xa răng hàm lớn thứ nhất hàm dưới.

* Các điểm mốc giải phẫu trên mô mềm :

- Điểm Glabella (G): điểm trước nhất của trán.

- Điểm Nasion mô mềm (Ns hoặc Na’): điểm sau nhất của mô mềm vùng khớp trán mũi.

- Điểm Pronasale (Pn): điểm trước nhất trên đỉnh mũi.

- Điểm Subnasale (Sn): điểm ngay dưới chân mũi.

- Điểm Librale superius (Ls): điểm giữa trên bờ viền môi trên.

- Điểm Librale inferius (Li): điểm giữa trên bờ viền môi dưới.

- Điểm Pogonion (Pog’): điểm trước nhất của cằm.

- Điểm Gnathion mô mềm (Gn’): điểm trước nhất và dưới nhất của cằm.

- Điểm Menton mô mềm (Me’): điểm dưới nhất của cằm.

*  Các mặt phẳng tham chiếu :

- Mặt phẳng SN: mặt phẳng đi qua hai điểm S và điểm Na.

- Mặt phẳng Frankfort: mặt phẳng đi qua hai điểm Or và điểm Po.

- Mặt phẳng khớp cắn chức năng: đi qua rìa cắn của các răng hàm nhỏ và hàm lớn.

- Mặt phẳng khẩu cái: đi qua điểm ANS và PNS.

- Mặt phẳng xương hàm dưới (MP): đi qua điểm Go và điểm Gn.

- Đường NPepr: đường thẳng kẻ từ điểm Na vuông góc với mặt phẳng Frankort.

- Đường thẩm mỹ E: đi qua điểm nhô nhất của mũi và điểm nhô nhất của cằm.

* Các số đo góc :

- Đánh giá mối tương quan xương:

+ Góc SNA: Góc tạo bởi các đường thẳng nối điểm S, điểm Na và điểm A.

+ Góc SNB: Góc tạo bởi các đường thẳng nối điểm S, điểm Na và điểm B.

+ Góc ANB: góc tạo bởi sự chênh lệch giữa góc SNA và góc SNB.

+ Chiều dài xương hàm trên (Co-A): Khoảng cách đo được từ điểm Co đến điểm A.

+ Chiều dài xương hàm dưới (Co-Gn): Khoảng cách đo được từ điểm Co tới điểm Gn.

+ Sự khác nhau giữa xương hàm trên và xương hàm dưới.

+ Khoảng cách từ điểm A đến đường NPerp.

+ Khoảng cách từ điểm Pog đến đường NPerp.

+ Góc trục mặt: Là góc tạo bởi đường nối NBa và đường nối PtGn.

+ Góc mặt hay góc chiều sâu mặt: là góc tạo bởi đường nối NPog và mặt phẳng Frankfort.

+ Góc GoGnSN: Góc tạo bởi mặt phẳng xương hàm dưới và mặt phẳng nền sọ đi qua SN.

+ Góc giữa mặt phẳng xương hàm dưới và mặt phẳng Frankfort.

+ Góc mặt phẳng xương hàm dưới và mặt phẳng khẩu cái.

+ Chiều cao tầng mặt dưới: Khoảng cách từ điểm ANS tới điểm Me.

+ Chỉ số WITS: Khoảng cách giữa hai điểm AO và BO trên mặt phẳng cắn.

- Đánh giá mối tương quan giữa răng và xương, răng hàm trên và răng hàm dưới:

+ Góc răng cửa giữa trên với mặt phẳng SN.

+ Góc răng cửa giữa trên với mặt phẳng khẩu cái.

Khoảng cách từ răng cửa giữa trên với đường thẳng nối điểm A và điểm Pog

+ Khoảng cách từ răng cửa giữa hàm dưới với đường thẳng nối điểm A với điểm Pog.

+ Góc giữa răng cửa giữa hàm dưới với mặt phẳng hàm dưới.

+ Góc giữa răng cửa giữa hàm trên và răng cửa giữa hàm dưới.

+ Khoảng cách từ rìa răng cửa hàm trên với đường thẳng kẻ vuông góc với mặt phẳng Frankfort và đi qua điểm A.

+ Khoảng cách từ rìa răng cửa hàm trên tới mặt phẳng Frankfort .

+ Khoảng cách từ điểm núm gần của răng hàm lớn thứ nhất hàm trên tới mặt phẳng Frankfort.

+ Khoảng cách từ mặt xa của răng hàm lớn thứ nhất hàm trên tới mặt phẳng đi qua điểm Pt và vuông góc với mặt phẳng Frankfort.

+ Khoảng cách từ rìa răng cửa giữa hàm trên tới đường vuông góc với mặt phẳng Frankfort đi qua điểm Na.

+ Khoảng cách từ núm gần của răng hàm lớn thứ nhất hàm trên tới đường vuông góc với mặt phẳng Frankfort đi qua điểm Na.

* Đánh giá mô mềm:

+ Góc mũi môi.

+ Khoảng cách từ môi trên tới đường E.

+ Khoảng cách từ môi dưới tới đường E.

4. Phân loại bệnh nhân :

- Phân loại bệnh nhân còn trong giai đoạn phát triển hay không. Nếu còn thì trong giai đoạn nào?

- Phân loại các đặc tính về khớp cắn của bệnh nhân.

5. Lên danh sách các vấn đề của bệnh nhân.

III Cấu trúc cơ bản của bệnh án chẩn đoán trong chỉnh hình răng hàm mặt

  1. Hành chính:
  2. Hỏi bệnh: 

    -  Lý do bệnh nhân đến khám: Nêu bật được lý do nổi bật nhất khiến bệnh nhân đến khám và điều trị chỉnh hình răng mặt.

    -    Bệnh sử: Hỏi khai thác các vấn đề liên quan đến tình trạng khiến bệnh nhân đến viện khám và điều trị. Các vấn đề xuất hiện từ bao giờ, diễn biến theo thời gian như thế nào. Khai thác các yếu tố liên quan đến tăng trưởng nếu bệnh nhân còn trong độ tuổi tăng trưởng…

    - Tiền sử:

    + Bản thân, gia đình

    + Các bệnh toàn thân.

    1. Khám lâm sàng:

    -   Khám ngoài mặt:

    + Mặt thẳng:  đánh giá mức độ cân đối của mặt theo tỉ lệ vàng, đánh giá sự cân xứng giữa  các phần của mặt.

    + Măt nghiêng: Đánh giá kiểu mặt khi nhìn nghiêng, tỉ lệ cân đối giữa các tầng mặt, độ nhô của môi.

    + Tương quan môi và răng.

    -   Khám trong miệng:

    + Tình trạng vệ sinh răng miệng.

    + Cung răng, mức độ răng khấp khểnh.

    + Phân loại khớp cắn theo Angle.

    + Tương quan răng hai hàm theo chiều đứng, chiều ngang, chiều trước sau.

    1. Phân tích mẫu: Khoảng cần có, khoảng có sẵn.
    2. Phân tích phim sọ nghiêng: Đánh giá tương quan xương hai hàm, tương quan răng và xương…
    3. Chẩn đoán: Tổng hợp và rút ra các vấn đề của bệnh nhân
    4.  BS THẢO 0972 565 239

     

 

Tin tức khác

Close
Sản phẩm
Đơn giá
Số lượng
Thành tiền
Thành tiền:
backtop

Tư vấn miễn phí

×
Hotline: (028) 66 75 91 56